Toggle Nav

Những Món Ăn Và Câu Chúc Cho Mùng 1 Tết Sum Vầy

câu chúc tết mùng 1
Đăng trên: Ngủ Ngon

Mục Lục

     

    Mùng 1 là ngày đầu tiên của năm mới theo lịch mặt trăng, là ngày Tết quan trọng nhất trong chuỗi ngày Tết Nguyên Đán. Năm mới sẽ suôn sẻ, thuận lợi, may mắn, tài lộc, mạnh khỏe, sum vầy… bao mong cầu cho cả năm đều được ấp ủ trong ngày đầu tiên ấy. Với ý nghĩa ấy, ngày mùng 1 Tết thường được dành cho gia đình, nếu con cái đã ra ở riêng thì mùng 1 về nhà chúc Tết cha mẹ.

    Mâm cơm ngày mùng 1 Tân niên thịnh soạn vừa là bữa cơm sum vầy người thân, vừa chắt chiu đong đầy ý nghĩa trong từng món ăn. Bạn sẽ thấy những món ngon truyền thống theo vùng miền không thể thiếu vào ngày này. Sự đủ đầy ấm áp hương vị quê nhà, hòa quyện với những lời chúc chân thành tươi vui làm nên không khí ngày Tết rôm rả, ấm no, yêu thương và hy vọng.

    Hương vị món ăn sum vầy mùng 1 Tết

    Theo phong tục, mỗi gia đình sẽ làm cỗ cúng Tân niên vào sáng mùng 1, tưởng nhớ tổ tiên ông bà. Sau đó con cháu sẽ thụ lộc, quây quần bên nhau trong bữa ăn ngày đầu năm mới, chúc Tết người lớn trước, người nhỏ sau và lì xì mừng tuổi mới cho cả nhà cùng vui. Văn hóa ẩm thực ba miền khác nhau nên mâm cơm ngày mùng 1 Tết cũng có nhiều món ngon phong phú. Nếu bạn muốn hiểu về ẩm thực các miền thì khám phá mâm cơm mùng 1 Tết chính là chìa khóa.

    Món ăn truyền thống Tết Bắc

    Mâm cơm Tân niên của mỗi gia đình phía Bắc khá cầu kỳ, nhiều món, có nếp có tẻ, có thịt trắng xôi đỏ, có món khô món nước, có đủ vị chua cay mặn ngọt. Mỗi món lại gửi gắm một ý nghĩa nhất định, nhằm cầu chúc những điều tốt đẹp cho cả gia đình trong năm mới.

    - Bánh chưng: Tượng trưng cho sự no đủ, sung túc. Đồng thời thể hiện sự biết ơn với tổ tiên, ông bà, cha mẹ.

    - Nem rán (chả giò): Tượng trưng cho sự gắn kết, hòa hợp giữa các thành viên gia đình.

    - Thịt gà luộc: Tượng trưng cho sự phú quý, thịnh vượng, cầu được ước thấy.

    - Thịt đông: Tượng trưng cho sự gắn bó, hòa thuận.

    - Giò lụa: Tượng trưng cho sự sang trọng, giàu sang, phú quý của gia đình.

    - Xôi gấc: Tượng trưng cho sự may mắn, thuận lợi và thành công.

    Bên cạnh đó, không thể thiếu bát canh măng miến hầm xương, nộm (gỏi) đu đủ, dưa chua, hành muối ăn kèm, giò thủ nhâm nhi… Bữa cơm càng đông người thì càng nhiều món, với niềm tin năm mới phúc – tài – lộc đầy tràn.

    Bánh chưng ngày tết

    Bánh chưng ngày tết

    Món ăn ngày Tết ở miền Trung

    Vào ngày Tết, các gia đình ở miền Trung cũng sửa soạn mâm cỗ đủ đầy các món ngon để tạ ơn tổ tiên và sẻ chia cùng gia đình con cháu. Trong đó, các món nổi bật không thể thiếu là:

    - Bánh tét: Tượng trưng cho sự yêu thương, đùm bọc của cha mẹ với con cái. Đồng thời cũng là lời nhắc nhở con cái phải hiếu thảo, yêu thương cha mẹ.

    - Tôm chua: Tượng trưng cho sự hài hòa của vạn vật, của đất trời và của con người.

    - Thịt heo ngâm nước mắm: Tượng trưng cho sự hoàn hảo, sung túc, thịnh vượng.

    - Nem chua: Tượng trưng cho sự nhiệt tình, hiếu khách, tình người của người dân miền Trung.

    Ngoài các món chính trên, mâm cỗ Tết của người miền Trung còn thêm vị chả bò tiêu cay, dưa món, củ kiệu ăn kèm, bánh tổ tráng miệng. Người miền Trung rất thích ăn những món cuốn nên mâm cơm không thể nào thiếu xấp bánh tráng, cuốn thịt heo thái mỏng, cá hấp, nem lụi với rau tươi, bún với củ kiệu tôm chua chấm mắm nêm hay mắm xổi.

    Bánh tét và củ kiệu

    Bánh tét và củ kiệu

    Mâm cỗ ngày Tết ở miền Nam

    Cũng như tính cách đơn giản, phóng khoáng của người dân nơi đây, các món ăn ngày Tết phổ biến của mỗi gia đình các tỉnh phía Nam không cầu kỳ nhưng lại rất dễ ăn, dễ nấu, dành thời gian để thưởng Tết, chơi Tết nhiều hơn cho việc bếp núc vất vả. Các hương vị quen thuộc ngày Tết miền Nam gồm:

    - Bánh tét: Tượng trưng cho sự no đủ, cầu mong một mùa vụ mới tốt tươi trong năm mới.

    - Thịt kho hột vịt: Tượng trưng cho sự đoàn viên, tròn vẹn, gắn kết giữa các thành viên trong gia đình.

    - Dưa giá/củ kiệu: Tượng trưng cho mong muốn được giàu sang, tài lộc, thịnh vượng cho năm mới.

    - Lạp xưởng: Tượng trưng cho sự sung túc, đủ đầy

    - Canh khổ qua nhồi thịt: Tượng trưng cho những điều tốt đẹp sẽ tìm đến chúng ta, khi mà tất cả khổ đau rồi sẽ trôi qua. Món này thường được ăn vào chiều 30 Tết, với ý nghĩa tống tiễn những nỗi khổ, xui rủi, đón năm mới vui tươi sung sướng đến.

    Người miền Nam hào phóng và dễ thích nghi nên cũng linh hoạt trong việc du nhập các món ngon từ vùng miền khác. Trong mâm cỗ Tết của gia đình miền Nam thường khi có cả gà luộc, bánh chưng, giò lụa, chả giò, gỏi cuốn bánh tráng… Nhà đông con cháu, ai cũng tìm được món hợp khẩu vị cho bữa cơm Tết thêm hào hứng.

    Mâm cơm ngày tết

    Mâm cơm ngày tết

    Những câu chúc Tết ý nghĩa cho gia đình

    Quây quần bên mâm cơm ngày Tết, con cháu sẽ nâng ly chúc sức khỏe ông bà, cha mẹ, anh chị em. Người lớn lì xì người nhỏ lấy lộc, lấy may, cùng chúc cho cả nhà một năm êm ấm, hạnh phúc. Cùng tham khảo những câu chúc Tết mang niềm vui, sắc Xuân và điềm lành đến cho gia đình.

    • Chúc mừng năm mới vạn sự như ý, tỉ sự như mơ, triệu triệu bất ngờ, cười vui bất tận.
    • Năm mới Tết đến – Rước hên vào nhà – Quà cáp bao la – Cả nhà no đủ – Vàng bạc đầy tủ – Gia chủ phát tài – Già trẻ gái trai – Sum vầy hạnh phúc – Cầu tài chúc phúc – Lộc đến quanh năm.
    • Ông bà khỏe mạnh – Ba mẹ phát tài – Chị gái, anh trai – Thành công mỹ mãn.
    • Chúc ông bà có một bầu trời sức khỏe, một biển cả tình thương và một gia đình thịnh vượng.
    • Kính chúc ông bà – Sống lâu sống khỏe – Chúc cho ba mẹ - Trẻ mãi không già – Yêu thương thuận hòa – Gia đình sung túc – Hạnh phúc an khang.
    • Chúc ba chúc mẹ - Dồi dào sức khỏe – Có nhiều niềm vui – Tiền luôn nặng túi – Tình vào đầy tim – Chăn ấm nệm êm – Luôn gặp may mắn.

    câu chúc ngày tết

    Những câu chúc Tết ý nghĩa cho gia đình

    • Chúc mừng năm mới – Công danh sáng ngời – May mắn khắp nơi – Đổ về tơi tới.
    • Chúc cho mọi người – Đong đầy hạnh phúc – Gói trọn lộc tài – Giữ mãi an khang – Thắt chặt phú quý – Cùng nhau như ý – Năm mới bình an – Cả nhà sung túc.
    • Năm mới lại tới – Chúc bạn phơi phới – Học hành tấn tới – Miệng luôn cười tươi – Du xuân khắp nơi – Nhận nhiều quà Tết.
    • Tết tới tấn tài – Xuân sang đắc lộc – Gia đình hạnh phúc – Vạn sự cát tường.

    Tết không chỉ thời khắc chuyển giao từ năm cũ sang năm mới mà còn chứa đựng nhiều ý nghĩa, là một phần trong văn hóa của người Việt Nam. Tết sắp đến rồi, hãy tạm gác công việc để về thưởng thức các món ăn ngon và gửi thật nhiều lời chúc đến những người thân yêu nhé!

    Tham khảo gối cao su của Liên Á tại đây: https://www.liena.com.vn/goi-cao-su

    Tham khảo nệm cao su của Liên Á tại đây: https://www.liena.com.vn/nem/nem-cao-su-thien-nhien

    (Tổng hợp)

    Sản phẩm liên quan