Tết Trung Thu có ý nghĩa lớn với người Việt như một truyền thống văn hóa đã ăn sâu vào đời sống qua bao thế hệ. Là một đất nước nông nghiệp lúa nước, gắn liền với lịch mặt trăng, người Việt coi ngày Tết Trung thu vào rằm tháng Tám là dịp để cảm tạ trời đất, chăm sóc yêu thương gia đình sau mùa vụ thu hoạch.
Người Việt cũng coi Tết Trung Thu là cái tết thiếu nhi thứ hai trong năm, dành cho con trẻ. Những tích truyện gắn với Trung Thu, vì thế, cũng mang ý nghĩa hồn hậu, như giấc mơ đẹp nuôi dưỡng tâm hồn hướng thiện và trí tưởng tượng phong phú của trẻ em.
Vì sao các sự tích Trung Thu thường gắn với chị Hằng?
Tết Trung Thu tổ chức vào giữa tháng trăng tròn, ban ngày các gia đình cúng lễ tổ tiên thiên địa, tối đến trẻ con được xem và chơi nhiều trò chơi dân gian, rước đèn, ngắm trăng…. Dưới ánh trăng sáng vằng vặc, mặt trăng tròn to trở thành chủ điểm của lễ hội. Chị Hằng – tên dân gian thường gọi mặt trăng – là một nhân vật cổ tích đẹp và bao dung, là linh hồn của Tết Trung Thu.
Sự tích chú Cuội vì tiếc cây thuốc quý chữa bệnh cho mọi người mà ôm theo cùng bay lên mặt trăng, cho thấy chị Hằng gìn giữ cho con người những điều tốt lành.
Sự tích Thỏ Ngọc với nhiều phiên bản nhưng cuối cùng đều trở thành bạn của chị Hằng cai quản cung trăng, vì cả hai đều có tấm lòng nhân ái, vì mọi người.
Lại có sự tích Hằng Nga – con gái Ngọc Hoàng – là vợ của người anh hùng Hậu Nghệ đã bắn hạ 9 mặt trời thiêu đốt trái đất, bảo vệ nhân loại. Nàng kiên quyết bảo vệ thuốc bất tử không rơi vào tay Bàng Mông tâm địa xấu xa bằng cách tự uống thuốc và bay về trời. Từ đó, mặt trăng là nơi Hằng Nga đêm đêm dõi xuống nhớ thương chồng.
Trong mọi tích truyện, chị Hằng luôn hiện ra đẹp dịu hiền, nhân ái và gửi gắm những yêu thương toại nguyện cho trẻ em nơi trần thế. Với trẻ nhỏ, mặt trăng tròn sáng tỏ trên trời cao chính là một thế giới tươi đẹp diệu kỳ, mà chỉ đến Tết Trung Thu mới có thể liên lạc được.
Những hoạt động ngày Tết Trung Thu
Ông Địa và múa lân
Trong các tối Trung Thu, trẻ em thường được xem và chơi múa lân theo nhịp trống. Người đi đầu trùm mũ đầu lân, những người theo sau đan lại thành thân và đuôi lân, nhảy nhịp nhàng. Phía trước có ông Địa phe phẩy quạt mo với mặt nạ cười tươi hiền từ. Theo dân gian, vị thần Thổ Địa vui vẻ và thường làm việc tốt cho người dân, ông dụ con kỳ lân trên trời xuống để ban phước, mang lại cuộc sống ấm no cho con người.
Tự làm đèn lồng và rước đèn
Vào ngày Trung Thu, mỗi nhà đều treo đèn lồng, như một sự tiếp nối ánh trăng đến mọi ngõ ngách cuộc sống con người. Hướng dẫn con trẻ cách làm đèn lồng để bé có thành phẩm của chính mình trong cuộc chơi rước đèn với các bạn cũng sẽ tạo niềm vui ý nghĩa cho trẻ. Đèn lồng đêm Trung Thu đa hình đa dạng, trong đó phổ biến là đèn ông sao, đèn thỏ, đèn cá chép, cầu kỳ hơn là đèn kéo quân. Trong mỗi chiếc đèn có đặt cây nến nhỏ làm sáng lên các mảng màu sắc tươi tắn của chiếc đèn.
Phá cỗ đêm trăng
Theo tục xưa của người Việt, tối Trung Thu cả nhà sẽ quây quần bên mâm cỗ chủ yếu là trái cây tươi như bưởi, hồng và bánh nướng, bánh dẻo là các loại bánh trung thu không thể thiếu, vừa ăn bánh uống trà vừa ngắm trăng và nghe người già kể chuyện cổ tích.
Trẻ con là linh hồn của các buổi phá cỗ, đám trẻ kéo nhau đến từng nhà trong xóm, múa lân rước lộc vào nhà rồi ăn các món mà gia chủ mời. Cứ thế, trẻ con đi phá cỗ và mang niềm vui râm ran tới khắp thôn xóm.