Bạn đã từng hỏi con nghĩ gì về ngày Tết? Với trẻ nhỏ, Tết là một kỳ nghỉ dài, được nghỉ học, được ở nhà nhiều hơn, đi chơi nhiều hơn, gặp gỡ nhiều người hơn, ăn uống thỏa thích.
Trẻ nhỏ không ngừng lớn lên mỗi ngày cả về thể chất và nhận thức ngay cả vào các kỳ nghỉ. Mà Tết lại là một kỳ nghỉ đặc biệt mỗi năm chỉ có một lần. Đây sẽ là dịp lý tưởng để giúp bé hiểu thêm về văn hóa ngày Tết thông qua các hoạt động cùng gia đình. Việc coi bé như một thành viên quan trọng tạo nên Tết nhà sẽ giúp bé định hình nếp nghĩ biết chia sẻ và có trách nhiệm với gia đình, tự tin hơn khi làm được nhiều việc quan trọng không kém người lớn.
Dưới đây là một số gợi ý để bạn cùng con lên kế hoạch Tết 2022 thật vui, khỏe và bổ ích.
Bạn nên cùng con lập kế hoạch với thời gian và mục tiêu cụ thể, bằng cách đó, trẻ cũng học được kỹ năng tổ chức tốt hơn.
1. Dọn nhà đón Tết
Trước Giao thừa, nhà nào cũng muốn sửa soạn mọi thứ thật tươm tất để lấy hên cho năm mới. Công việc dọn dẹp nhà cửa nên được phân công cho cả bé yêu bằng cách giải thích rõ lý do của việc này. Phần việc giao cho trẻ nên phù hợp với khả năng của bé và thấy ngay được thành quả như lau chùi bàn ghế, dọn phòng của bé, sắp xếp ngay ngắn khu đồ chơi hay ảnh kỷ niệm của gia đình... Bé sẽ nhìn thấy ngay kết quả nỗ lực của mình để khích lệ tinh thần cho những hoạt động tiếp theo.
2. Cùng bé đi mua sắm Tết
Trẻ nhỏ hồn nhiên, sáng tạo và luôn có những quan sát bất ngờ đôi khi giúp ích rất nhiều cho người lớn. Cùng bé đi mua sắm những món đồ trang trí Tết, mua quà biếu ông bà, vừa giúp bé hiểu được ý nghĩa của công việc, mà bạn cũng có thêm nhiều ý tưởng thú vị. Bạn nên tin tưởng con mình và tôn trọng ý kiến của trẻ để khuyến khích tính sáng tạo và tự tin của con. Mái nhà đẹp nhất là mái nhà vui nhất.
3. Chuẩn bị quần áo đẹp đi chơi Tết
Con sẽ mặc gì vào những ngày Tết? Câu hỏi này sẽ gợi ý cho trẻ tự chuẩn bị từng bộ đồ cho mỗi ngày đi chơi. Nếu ba mẹ cùng lên đồ với con để cả nhà có gam màu ăn ý thì càng tuyệt vời. Bé sẽ tập được thói quen lên kế hoạch và phối đồ, gấp đồ, treo đồ cho phù hợp.
4. Bé phụ mẹ chuẩn bị mâm cúng Tết
Tết là truyền thống, là văn hóa được dung dưỡng từ thế hệ này sang thế hệ khác. Không khí ngày Tết cũng được nhen lên từ những hoạt động theo tục lệ ông bà. Vì thế, để trẻ tham gia sớm vào những dịp soạn sửa tiễn ông Công ông Táo, cúng Giao thừa hay lên cơm mời gia tiên sẽ giúp trẻ thấm dần văn hóa Việt, biết yêu kính truyền thống dân tộc và lưu lại những hồi ức ấm áp về gia đình. Ba mẹ có thể giao cho bé những việc vừa sức mà bé vẫn quan sát, thẩm thấu được ý nghĩa của hoạt động.
5. Hướng dẫn trẻ lên kế hoạch học tập và khám phá ngày Tết
Việc này không đặt nặng khối lượng kiến thức hay bài tập bé phải làm trong kỳ nghỉ Tết. Trái lại, ba mẹ nên gợi ý để trẻ tự xác định mục tiêu cho năm học mới của con là gì? Con sẽ chia nhỏ mục tiêu đạt được sau kỳ nghỉ Tết là gì? Con sẽ tự viết ra kế hoạch của mình và dán lên góc học tập. Ba mẹ nên có phần thưởng khuyến khích để con có thêm động lực thực hiện. Hoạt động này sẽ giúp con biết tự hoạch định kế hoạch cho mình và tự kiểm chứng khả năng theo đuổi mục tiêu của con.
Đây là một kỹ năng quan trọng và lại rất phù hợp để bắt đầu năm mới. Mỗi kế hoạch đặt ra đều cần được tổng kết đánh giá đúng hạn, ba mẹ nhớ gương mẫu thực hiện nếu cùng lên kế hoạch với con.
6. Lập thời gian biểu cho ngày Tết
Tết là ngày nghỉ, mọi người thường có xu hướng sinh hoạt tùy tiện hơn như thức khuya, dậy muộn, ăn không đúng bữa, chơi quá giờ. Để tránh căng thẳng nhắc nhở bé ngày Tết, ba mẹ nên gợi ý cho trẻ lập thời gian biểu theo ngày cho phù hợp, cả nhà cùng thống nhất khung giờ sinh hoạt cá nhân và gia đình. Ba mẹ cần gương mẫu thực hiện để trẻ noi theo. Tập cho trẻ thói quen tự giác, đi ngủ và thức dậy đúng giờ là điều tốt cho sức khỏe và nếp sống lành mạnh, cần được làm thường xuyên liên tục, kể cả ngày Tết.
Trẻ nhỏ luôn vận động và học hỏi mọi thứ xung quanh ngay cả khi chơi. Hy vọng những gợi ý về hoạt động ngày Tết sẽ giúp bạn và bé yêu đón Tết thật ý nghĩa.